Những quan điểm sai lầm ảnh hưởng đến răng của trẻ

Tháng Sáu 3, 2021 webmaster 0

NHỮNG QUAN NIỆM SAI LẦM CỦA BỐ MẸ ẢNH HƯỞNG ĐẾN RĂNG CỦA CON

Các bậc làm cha mẹ ai cũng muốn con mình phát triển một cách toàn diện. Tuy nhiên có một bộ phận hết sức quan trọng nhưng cha mẹ thường chủ quan chính là hàm răng của trẻ. Không chỉ ảnh hưởng đến việc ăn nhai, hàm răng còn quyết định đến thẩm mỹ gương mặt của bé khi trưởng thành. Vậy những quan niệm sai lầm nào cha mẹ thường mắc phải trong chăm sóc răng miệng cho trẻ? Bài viết dưới đây sẽ giúp các bậc phụ huynh trả lời câu hỏi này.

Khi nuôi con, cha mẹ thường quan tâm nhiều đến các chỉ số như chiều cao, cân nặng, IQ của trẻ. Ít ai nghĩ rằng việc chăm sóc răng miệng của trẻ cũng cần được theo dõi kỹ lưỡng. Chính sự chủ quan này có thể gây ảnh hưởng đến răng của trẻ khi trưởng thành. Dưới đây là những quan niệm sai lầm của cha mẹ đôi khi vô tình phá hủy răng của trẻ.

Những quan niệm sai lầm của bố mẹ trong việc chăm sóc răng miệng cho trẻ

1. Răng sữa không quan trọng vì có thể thay

Các bậc cha mẹ thường quan niệm răng sữa dù có bị sâu hay gãy cũng không đáng lo. Vì sau này, chúng sẽ được thay bằng răng vĩnh viễn. Tuy nhiên, quan niệm này là hoàn toàn sai lầm. Trên thực tế răng sữa đóng vai trò vô cùng quan trọng trong quá trình phát triển của trẻ. Một hàm răng sữa khỏe mạnh sẽ giúp bé dễ dàng trong việc ăn uống và hấp thu dinh dưỡng. Đồng thời, nó cũng tạo điều kiện cho cơ thể phát triển toàn diện.

Ngược lại, khi răng sữa của bé yếu và không phát huy được chức năng ăn nhai sẽ khiến bé chán ăn, dễ ốm yếu và kém phát triển về thể chất. Quan trọng hơn, răng sữa có vai trò “giữ chỗ” và “định hướng” để răng vĩnh viễn mọc đúng vị trí. Việc răng sữa bị sâu, hỏng, sứt mẻ hay gãy khiến không gian của chiếc răng này nhỏ hơn bình thường. Từ đó dẫn đến tình trạng răng vĩnh viễn bị xô lệch, khó mọc hoặc mọc sai vị trí.

Hướng dẫn cách chăm sóc răng miệng cho trẻ

Răng sữa bị sâu, sứt mẻ, gãy mà không được điều trị có thể dẫn đến răng vĩnh viễn bị xô lệch hoặc mọc sai vị trí

2. Trẻ nhỏ không cần đánh răng.

Nhiều người cho rằng khi răng sữa của trẻ chưa mọc đủ thì không cần đánh răng. Quan niệm này là nguyên nhân dẫn đến nhiều bệnh lý răng miệng ở trẻ. Chỉ làm sạch miệng bằng nước muối không thể loại bỏ hết vi khuẩn và không bổ sung đủ Fluor cho men răng của bé chắc khỏe. Trên thực tế ngay từ khi chiếc răng đầu tiên của trẻ mọc lên cha mẹ cần cho bé đánh răng bằng bàn chải với kem đánh răng 2 lần/ngày. Việc làm này không chỉ tạo cho bé thói quen đánh răng thường xuyên mà còn giúp bảo vệ bé khỏi nhiều bệnh lý về răng miệng.

Những lưu ý khi chăm sóc răng miệng cho trẻ

Cha mẹ nên tập thói quen đánh răng cho trẻ ngay từ khi bé mọc chiếc răng đầu tiên

3. Không để ý đến các thói quen xấu của trẻ

Nhiều người cho rằng trẻ em mút tay, đẩy lưỡi là chuyện bình thường. Họ không biết rằng những thói quen này có thể ảnh hưởng nghiêm trọng tới răng của bé về sau. Khi trẻ còn nhỏ là thời điểm xương hàm và răng chưa ổn định, dễ bị di lệch. Việc bé mút tay, đẩy lưỡi sẽ khiến trẻ dễ bị hô, móm, răng mọc lệch lạc.

4. Đánh răng ngay sau khi ăn mới là tốt

Điều này đúng khi trẻ vừa ăn các thực phẩm chứa đường và tinh bột. Vì sau khi ăn các thực phẩm này 20 phút các vi khuẩn sẽ bắt đầu tấn công răng miệng của bé. Nhưng trong trường hợp trẻ ăn các đồ ăn chứa nhiều axit như cam, chanh, v.v. Cha mẹ nên đợi 30 phút mới cho bé đánh răng để tránh làm hỏng men răng của trẻ.

5. Không ăn đồ ngọt sẽ không bị sâu răng.

Nhiều phụ huynh không cho con ăn các loại bánh kẹo, socola nhưng trẻ vẫn bị sâu răng. Trên thực tế không chỉ bánh, kẹo ngọt mới chứa đường mà ngay cả cơm, mì hay trái cây cũng đều có lượng đường nhất định. Cha mẹ không nên cấm tuyệt đối mà nên cho bé thưởng thức đồ ngọt một cách khoa học. Khi trẻ ăn đồ ngọt thường xuyên, khoang miệng luôn ở trong môi trường có tính axit. Điều này khiến vi khuẩn dễ dàng phát triển gây sâu răng. Vì vậy cha mẹ không nên để bé ăn một cách tùy tiện và trong thời gian dài. Sau khi ăn cần cho bé đánh răng và sử dụng nước súc miệng để loại bỏ vi khuẩn.

Chăm sóc răng miệng cho trẻ đúng cách

Cha mẹ không nên cấm tuyệt đối bé ăn đồ ngọt

6. Trẻ không đau răng thì không cần đi khám

Chính quan niệm sai lầm này của cha mẹ khiến cho các vấn đề chăm sóc răng miệng ở trẻ thường nghiêm trọng khi được phát hiện. Trong giai đoạn răng sữa, các dây thần kinh thưa thớt hơn so với răng vĩnh viễn nên cảm giác đau thường không rõ rệt. Bởi vậy có khi răng bị sâu khá nặng trẻ cũng không cảm nhận được. Việc không cho con đi khám răng định kỳ là cha mẹ đang tước đi cơ hội phát hiện sớm và điều trị kịp thời bệnh sâu răng của bé. Phụ huynh nên đưa con tới phòng khám răng định kỳ 3 tháng/ lần đối với trẻ 0-5 tuổi và 6 tháng/lần với trẻ trên 6 tuổi.

7. Muốn niềng răng phải đợi đến 12 tuổi.

Trên thực tế thời điểm niềng răng thích hợp phụ thuộc vào tình trạng mọc răng vĩnh viễn của từng trẻ. Nếu trẻ gặp vấn đề răng xô lệch nhẹ bác sĩ sẽ tư vấn cha mẹ sử dụng các dụng cụ niềng răng tại nhà. Nếu răng bị xô lệch nặng cần được niềng sớm để đạt hiệu quả cao, không nhất thiết phải đợi đến 12 tuổi.

Bao nhiêu tuổi nên đi niềng răng

Thời điểm niềng năng thích hợp phụ thuộc vào tình trạng mọc răng vĩnh viễn của từng bé

Trên đây là một số sai lầm mà rất nhiều phụ huynh mắc phải khi chăm sóc răng của trẻ. Hy vọng bài viết sẽ giúp cha mẹ có cái nhìn chính xác và toàn diện hơn về chăm soc răng miệng ở trẻ để mang lại cho con một hàm răng chắc khỏe và đẹp nhất!