Đừng nên xem nhẹ triệu chứng răng ê buốt

Tháng Sáu 2, 2021 webmaster 0

RĂNG Ê BUỐT: NGUYÊN NHÂN VÀ CÁCH XỬ LÝ

Răng ê buốt tuy không phải là bệnh lý nghiêm trọng nhưng lại ảnh hưởng nhiều đến chất lượng cuộc sống của bạn. Tuy vậy, bạn chớ nên xem nhẹ triệu chứng này bởi nó có thể xuất phát từ các bệnh răng miệng như viêm nha chu, sâu răng… và thậm chí có thể gây mất răng.

Nguyên nhân gây ê buốt răng

Các bệnh răng miệng

Vì sao răng ê buốt

Bệnh viêm nướu khiến răng trở nên nhạy cảm dễ ê buốt

Nếu răng khỏe mạnh, lớp men răng cứng chắc ngoài cùng sẽ bảo vệ lớp ngà răng bên trong, còn chân răng được nướu bảo vệ. Khi men răng bị mòn, tổn thương hoặc nướu bị tụt sẽ khiến lớp ngà răng bị lộ ra ngoài.

Ngà răng có hàng ngàn ống ngà dẫn trực tiếp đến dây thần kinh trong răng, khi tiếp xúc với các yếu tố nóng, lạnh hay có chất axit… sẽ khiến các dây thần kinh này bị kích thích gây đau và ê buốt.

Một số bệnh lý răng miệng như viêm nướu, viêm nha chu, răng sứt mẻ, sâu răng… cũng là nguyên nhân khiến ngà răng lộ ra ngoài nên dễ ê buốt hơn bình thường.

Chế độ chăm sóc răng miệng không đúng cách

  • Đánh răng sai cách: Thói quen đánh răng quá mạnh hay sử dụng bàn chải đánh răng có lông cứng, đánh răng quá nhiều lần trong ngày… cũng là nguyên nhân gây mòn men răng, khiến răng trở nên nhạy cảm và dễ ê buốt hơn.
  • Sử dụng nước súc miệng có chứa axit: Việc lạm dụng nước súc miệng cũng có thể làm men răng của bạn mỏng đi. Trường hợp nếu ngà răng đã bị lộ, bạn sẽ cảm thấy ê buốt răng nhiều hơn khi súc miệng bằng nước súc miệng.

Ăn uống thực phẩm chứa nhiều axit

Các thức ăn nhiều axit như cam chanh, nước ngọt có gas, soda… có thể ăn mòn răng. Khi lớp men bị bào mòn, gặp các kích thích như nóng lạnh, chua ngọt trong lúc ăn sẽ khiến dịch ngà chuyển động trong ống ngà dây thần kinh dẫn đến ê buốt.

Thói quen xấu

Những thói quen không tốt trong cuộc sống hàng ngày như nhai đá, nghiến răng khi ngủ… cũng làm tăng độ nhạy cảm của răng

Tẩy trắng răng sai cách

Vì sao răng ê buốt sau khi tẩy trắng

Các phương pháp tẩy trắng răng cấp tốc có thể làm răng ê buốt

Việc lạm dụng các phương pháp tẩy trắng răng như dùng kem đánh răng có chứa chất Peroxide mang đến hiệu quả trắng sáng bất ngờ nhưng với người có răng nhạy cảm thì đây sẽ là con dao hai lưỡi gây ra cảm giác ê buốt.

Ngoài ra, việc sử dụng các dịch vụ tẩy trắng răng cấp tốc, không có sự tư vấn của nha sĩ cũng là nguyên nhân khiến răng bị tổn thương, mất lớp bảo vệ bề mặt chính cũng khiến răng bị ê buốt.

Xử lý tình trạng này như thế nào?

Chải răng đúng với bàn chải mềm

Nếu răng miệng bạn hoàn toàn khỏe mạnh và nguyên nhân khiến răng bị ê buốt là do thói quen vệ sinh răng miệng, hãy thay đổi cách đánh răng và chọn lựa bàn chải có chỉ tơ mềm, phù hợp với tình trạng răng nhạy cảm.

Dùng kem đánh răng có thành phần chống nhạy cảm như Fluoride để làm giảm đi các triệu chứng của răng nhạy cảm. Chúng khóa các ống thần kinh ngà răng khiến các dây thần kinh không bị kích thích.

Súc miệng bằng nước muối sinh lý

Nước muối có tính sát khuẩn giảm ê buốt tạm thời

Nước muối có tính sát khuẩn và giúp giảm ê buốt tạm thời. Hãy tập thói quen súc miệng với nước muối vào buổi sáng và buổi tối trước khi đi ngủ.

Lựa chọn thức ăn phù hợp

Không được ăn thức ăn quá nóng hoặc lạnh, cay mặn, thức ăn nhiều axit… sẽ làm tình trạng ê buốt tăng lên. Nên ăn nhiều rau củ có nhiều chất xơ, đặc biệt việc ăn một quả táo mỗi ngày cũng khiến bạn làm sạch miệng hiệu quả mà không phải đánh răng nhiều lần, khiến tính trạng răng miệng tăng độ ê buốt nhạy cảm.

Tăng cường canxi

Ăn gì để răng không bị ê buốt

Thực phẩm giàu canxi tốt cho răng

Canxi là một thành phần quan trọng trong việc bảo vệ sức khỏe răng miệng. Vì vậy, việc bổ sung các thực phẩm giàu canxi như bơ sữa, sữa chua, phô mai… hoặc các loại rau củ giàu canxi như bông cải xanh, các loại cá, hải sản, đậu… cũng giúp tăng cường sức khỏe của răng, giảm sự ê buốt hay nhạy cảm.

Đến gặp bác sĩ nha khoa

Đối với các trường hợp ê buốt do bệnh lý nha khoa như viêm nướu, tụt nướu, răng sứt mẻ… bạn nên đến gặp bác sĩ nha khoa để được thăm khám và điều trị hợp lý, tránh gây ra các biến chứng về sau.

Ngoài ra, tật nghiến răng của bạn cũng sẽ được bác sĩ nha khoa giải quyết bằng hàm chống nghiến đeo vào ban đêm hay lúc bạn ngủ để ngăn ngừa tình trạng này.