ĐÂU LÀ DẤU HIỆU CHO THẤY BẠN CẦN ĐI NIỀNG RĂNG?
Niềng răng là phương pháp chỉnh nha được nhiều người chọn lựa để điều chỉnh hàm răng đều đặn hơn. Nhưng khi nào bạn cần niềng răng?
Mục lục
Niềng răng khi răng mọc lệch, chen chúc
Một hàm răng chen chúc không đều không những khiến bạn mất tự tin trong giao tiếp hàng ngày mà còn làm giảm chất lượng cuộc sống. Chẳng hạn như bạn có thể bị đau khi nhai thức ăn, không thể tận hưởng trọn vẹn những khoảnh khắc vui vẻ trong cuộc sống.
Ngoài ra, răng mọc lệch có thể gây ra các bệnh răng miệng như:
- Viêm nha chu: Vì hàm răng mọc lệch và chen chúc nhau khiến việc vệ sinh răng miệng rất khó khăn. Về lâu dài, tình trạng này sẽ dẫn đến sâu răng và các vấn đề về nướu răng. Và nếu không kịp thời điều trị, bệnh viêm nướu sẽ tiến triển thành viêm nha chu, gây ảnh hưởng đến sức khỏe răng miệng, thậm chí bạn có thể bị mất răng vĩnh viễn.
- Nhai và tiêu hóa thức ăn: Răng mọc lệch lạc cũng khiến việc ăn nhai thức ăn gặp nhiều trở ngại. Vì vậy, việc tiêu hóa thức ăn cũng không được suôn sẻ, có thể dẫn đến các bệnh về tiêu hóa.
- Khó phát âm đúng: Nếu răng bị lệch có thể gây ảnh hưởng đến khả năng phát âm của bạn.
Chính vì những trở ngại như vậy, nên hầu như tất cả các bác sĩ nha khoa sẽ khuyên bạn nên niềng răng để chỉnh nha trong trường hợp răng chen chúc hay mọc lệch. Có thể bạn sẽ phải nhổ bớt vài cái răng nếu tình trạng răng chen chúc quá nhiều. Bác sĩ sẽ tư vấn giúp bạn phương pháp niềng răng phù hợp nhất với tình trạng răng miệng của bạn.
Răng hô vẩu
Răng hô vẩu là một trong những dạng sai lệch khớp cắn, khiến khuôn mặt trở nên mất cân đối, ảnh hưởng đến sự tự tin của bạn trong cuộc sống. Người có răng hô sở hữu hai hàm răng trên dưới với tỷ lệ không đạt chuẩn, hàm trên đưa ra quá mức so với hàm dưới.
Răng hô không chỉ gây ảnh hưởng về mặt thẩm mỹ mà còn gây khó khăn trong việc ăn uống, vệ sinh răng miệng. Vì vậy có thể gây nên một số bệnh lý răng miệng như: viêm nha chu, hôi miệng, lệch khớp cắn và một số bệnh liên quan đến đường tiêu hóa: dạ dày, đường ruột…
Với nền y học phát triển, trong lĩnh vực nha khoa cũng có nhiều phương pháp điều trị hô vẩu hiệu quả. Trong đó, niềng răng cũng là phương pháp điều trị hô được nhiều nha sĩ lựa chọn cho bệnh nhân.
Tuy nhiên, đối với những trường hợp răng hô vẩu nặng do xương hàm, cần kết hợp niềng răng với phẫu thuật hàm hô để cải thiện hiệu quả thẩm mỹ cho khuôn mặt. Phương pháp này được thực hiện bằng cách sử dụng máy móc hiện đại cắt xương hàm trên. Sau đó chỉnh lại khớp cắn hai hàm sao cho cân đối.
Đây là kỹ thuật phức tạp, đòi hỏi tay nghề của bác sĩ phải giỏi chuyên môn và giàu kinh nghiệm. Vì vậy, bạn nên tìm đến những cơ sở nha khoa uy tín để được tư vấn và thăm khám cụ thể trước khi thực hiện.
Răng móm
Cũng như tình trạng răng hô vẩu, răng móm cũng khiến gương mặt kém xinh và ảnh hưởng đến sức khỏe răng miệng. Nhưng bạn có thể cải thiện tình trạng này bằng cách niềng răng.
Răng móm là khi hàm dưới nhô ra ngoài nhiều hơn so với răng hàm trên. Thông thường các răng sẽ khớp với nhau, giúp bạn tránh được tình trạng căn phải môi, má trong khi ăn uống. Tuy nhiên, vì một số lý do như di truyền mà răng hàm dưới nhô ra nhiều hơn và dẫn đến tình trạng răng bị móm.
Ngoài vấn đề thẩm mỹ, tình trạng răng móm cũng có thể gây ảnh hưởng đến sức khỏe răng miệng, như: khó nói chuyện, khó cắn và nhai thức ăn, đau miệng và mặt do hàm bị lệch…
Để khắc phục hàm móm, các bác sĩ sẽ khuyên bạn nên niềng răng. Đây là phương pháp phổ biến và hiệu quả nhất. Còn đối với những trường hợp móm nặng, móm do xương hàm thì vẫn cần có sự kết hợp với sự phẫu thuật hàm do bác sĩ chỉ định.
Răng thưa
Răng thưa là tình trạng có khe hở giữa các răng cửa, khiến răng yếu, dễ lung lay, thức ăn dễ mắc kẹt trong kẽ răng và ảnh hưởng đến nụ cười của bạn. Ngoài ra, các khe hở giữa các răng cũng ảnh hưởng không nhỏ đến việc phát âm.
Đối với trường hợp răng thưa, phương pháp niềng răng được thực hiện khá đơn giản so với các trường hợp còn lại. Nếu bạn có một hàm răng đều và chỉ gặp vấn đề răng thưa thì bác sĩ nha khoa sẽ không phải nhổ răng khi tiến hành niềng răng.
Niềng răng khi khớp cắn sâu
Khớp cắn sâu là tình trạng sai lệch khớp cắn, khiến hàm dưới bị khuất sâu trong hàm trên. Một số đặc điểm nhận biết khớp cắn sâu như:
- Răng hàm dưới có thể tiếp xúc hoặc không với hàm trên. Nếu tình trạng nặng thì rìa hàm dưới sẽ không chạm vào răng hàm trên mà chạm vào nướu trong của hàm trên.
- Hàm răng trên hoàn toàn che khuất hàm dưới. Khi ngậm miệng, thường sẽ không nhìn nhìn thấy, hoặc thấy rất ít hàm răng dưới.
- Đường nối giữa 3 phần trán – mũi – cằm có thể thẳng hoặc gãy khúc, tùy vào mức độ cắn sâu nặng hay nhẹ.
Ngoài yếu tố gây mất thẩm mỹ, tình trạng khớp cắn sâu còn khiến nướu bị đau và tổn thương do rìa hàm răng dưới va chạm lâu ngày vào mặt trong nướu. Mòn nặng toàn bộ bề mặt răng của răng cửa hàm trên, dẫn đến lộ ngà, gây ê buốt. Ảnh hưởng đến khớp thái dương hàm và chức năng ăn nhai.
Điều trị khớp cắn sâu còn phụ thuộc vào nguyên nhân gây ra cắn sâu cũng như tình trạng nặng nhẹ. Đối với khớp cắn sâu do răng, bác sĩ nha khoa sẽ chỉ định niềng răng để dịch chuyển tạo thế hàm trên hài hòa cân đối với hàm dưới. Còn nếu khớp căn sâu do xương hàm thì cần phẫu thuật mới khắc phục được.
Niềng răng khi khớp cắn hở
Khớp cắn hở là tình trạng nhóm răng trước của hai hàm không chạm tới nhau, tạo ra một khoảng hở chính diện, khiến việc ăn nhai khó khăn và cũng ảnh hưởng đến thẩm mỹ khuôn mặt.
Cũng như khớp cắn sâu, việc điều trị khớp cắn hở cũng phụ thuộc vào nguyên nhân gây nên tình trạng này.
Với trường hợp khớp cắn hở do răng, giải pháp lý tưởng nhất vẫn là niềng răng. Với tác động một lực cơ học lên hai hàm sẽ kéo răng hàm trên và dưới sát lại với nhau, khắc phục hiệu quả vấn đề hở khớp cắn.
Nếu khớp cắn hở do xương hàm, bác sĩ buộc phải phẫu thuật để nắn chỉnh răng về đúng vị trí. Quy trình nắn chỉnh xương hàm cũng không quá phức tạp. Vì vậy, bạn sẽ không mất nhiều thời gian cho việc phẫu thuật cũng như nghỉ ngơi phục hồi sau điều trị.