- PHẪU THUẬT
- Nhổ Răng Khôn
NHỔ RĂNG KHÔN
Răng khôn nếu không mọc lệch thì nó chưa chắc đã là một chiếc răng gây phiền toái. Nhưng một khi răng khôn lại không “khôn” như tên gọi của nó thì bạn nên đọc ngay những thông tin dưới đây để có hướng nhổ răng khôn một cách “khôn” ngoan nhé.
Mục lục
Răng khôn là gì?
Răng khôn có tên gọi khác là răng số 8 hay răng cối lớn thứ 3. Đây là chiếc răng mọc cuối cùng trong cung hàm. Thông thường răng sẽ mọc trong giai đoạn từ 15 đến 25 tuổi. Một số ít người có thể mọc sau 30 tuổi.
Răng khôn hay mọc lệch, vì sao?
Thực tế cho thấy, đa số răng khôn đều mọc lệch. Vì xương hàm chỉ đủ chỗ cho 28 răng (mỗi hàm có 14 răng) mà thôi. Do không còn đủ diện tích để mọc lên theo hướng bình thường, nó phải tự tìm cho mình một con đường khác để mọc.
Ngoài ra, răng số 8 thường mọc trong độ tuổi xương hàm đã ngừng tăng trưởng và phát triển. Xương trở nên cứng đặc hơn. Sự tăng trưởng và phát triển của hàm dưới trong giai đoạn mọc răng theo hướng xuống dưới và ra trước. Cộng với chế độ ăn mềm của người hiện đại làm giảm sự phát triển của xương hàm. Đây là những yếu tố góp phần làm mất cân xứng giữa răng và kích thước xương hàm. Điều này dẫn đến tình trạng mọc ngầm, mọc kẹt của răng.
Biến chứng nguy hiểm khi răng khôn mọc lệch
Việc chiếc răng khôn mọc lệch sẽ gây ra rất nhiều biến chứng nguy hiểm.
Gây viêm lợi
Khi răng mọc ngầm, nó sẽ húc vào răng số 7 và gây nên các tai biến như viêm lợi trùm. Trong quá trình ăn uống, vụn thức ăn sẽ giắt vào túi lợi. Từ đó gây bệnh viêm túi lợi có mủ. Những người bị đau nhức xương hàm khi răng khôn mọc sẽ có cảm giác vướng, khó nhai, nhiều trường hợp bị sốt, sưng viêm.
Gây nhiễm trùng
Trong trường hợp răng mọc lệch và đâm sang các răng bên cạnh, nó sẽ làm răng đó bị tiêu huỷ, lung lay. Thậm chí là rụng răng. Triệu chứng để nhận biết răng mọc lệch là những cơn đau âm ỉ ở khu vực xương hàm trong cùng. Nếu không được giải quyết kịp thời, vùng xương hàm và nướu ở khu vực này sẽ bị viêm, nhiễm trùng. Sau đó lây lan sang các khu vực xung quanh như mang tai, má, mắt, cổ… gây nguy hiểm đến sức khỏe toàn thân. Thậm chí đe dọa đến cả tính mạng.
Gây sâu răng
Bên cạnh đó, việc vệ sinh sạch sẽ chiếc răng rất khó khăn vì răng khôn thường mọc trong cùng của hàm răng. Thức ăn và vi khuẩn rất dễ bị tích tụ. Nhất là ở những răng chỉ mọc lên được một phần hoặc mọc lệch và đâm vào răng bên cạnh. Sự tích tụ này nếu tiếp diễn lâu dài sẽ gây ra bệnh sâu răng. Hơn nữa, thức ăn tích tụ và vi khuẩn phát triển ở răng khôn sẽ gây ra viêm nhiễm vùng nướu xung quanh. Và đây chính là nguyên nhân dẫn đến các triệu chứng như sưng, đau, hôi miệng và đôi khi cứng khít hàm (bệnh nhân không thể mở miệng to được). Các tình trạng này sẽ tái phát nhiều lần cho đến khi răng được chữa trị hoặc nhổ bỏ.
Khi nào có thể giữ lại răng khôn?
Như đã nói, không phải tất cả răng khôn đều cần phải nhổ bỏ. Nếu chiếc răng của bạn đáp ứng được những điều kiện sau đây thì bạn hoàn toàn có thể giữ lại:
- Răng khỏe mạnh, mọc thẳng, phát triển hoàn chỉnh.
- Răng không bị kẹt bởi mô xương và nướu, nằm ngay ngắn và ăn khớp với răng đối diện.
- Răng không gây biến chứng.
Cũng lưu ý một số trường hợp bệnh nhân không thể thực hiện được phẫu thuật nhổ bỏ. Chẳng hạn như bệnh nhân bị tim mạch, tiểu đường, rối loạn đông cầm máu…
Khi nào nên nhổ?
Nếu răng bạn gặp phải một trong những trường sau đây, lời khuyên tốt nhất là bạn nên đến trung tâm nha khoa uy tín để thực hiện nhổ răng khôn càng sớm càng tốt:
– Khi răng mọc lệch, mọc ngang đâm vào răng số 7.
– Răng mọc ngầm, hủy hoại xương và răng xung quanh.
– Khi việc mọc răng khôn gây ra các biến chứng đau, nhiễm trùng lặp đi lặp lại, u nang, ảnh hưởng đến răng lân cận.
– Khi răng chưa gây ra biến chứng. Nhưng giữa răng khôn và răng bên cạnh có khe giắt thức ăn, tương lai sẽ ảnh hưởng đến răng bên cạnh thì cũng nên nhổ để ngăn ngừa biến chứng.
– Răng mọc thẳng, đủ chỗ, không bị cản trở bởi xương và nướu nhưng không có răng đối diện ăn khớp, làm răng khôn trồi dài xuống hàm đối diện. Điều này tạo bậc thang giữa răng khôn và răng bên cạnh, gây nhồi nhét thức ăn, lở loét nướu hàm đối diện.
– Răng mọc thẳng, đủ chỗ, không bị cản trở bởi xương và nướu, nhưng hình dạng răng khôn bất thường, nhỏ, dị dạng, gây nhồi nhét thức ăn với răng bên cạnh. Lâu ngày gây sâu răng và viêm nha chu răng bên cạnh.
– Bản thân răng có bệnh nha chu hoặc sâu răng lan rộng, viêm tủy
– Nhổ răng khôn để chỉnh hình, làm răng giả. Hoặc, răng khôn là nguyên nhân của một số bệnh toàn thân khác cũng nên được nhổ bỏ.