CHĂM SÓC RĂNG MIỆNG CHO SẢN PHỤ
Trong thời kỳ mang thai, cơ thể phụ nữ có nhiều sự thay đổi về sức khỏe và nội tiết tố, ít nhiều sẽ gây ảnh hưởng đến sức khỏe răng miệng. Vậy chăm sóc răng miệng cho phụ nữ trong thai kỳ như thế nào cho đúng?
Mong ước của bất kỳ một người phụ nữ nào trong thời kỳ mang thai luôn là có một thai kỳ khỏe mạnh để “mẹ tròn con vuông”. Nhưng với những thay đổi trong cơ thể của phụ nữ trong thời gian này sẽ gây ảnh hưởng đến sức khỏe tổng thể nói chung và sức khỏe răng miệng nói riêng.
Tuy nhiên, ở Việt Nam, thói quen khám răng định kỳ dường như còn xa lạ với nhiều người. Vì vậy, trong thai kỳ, việc thai phụ đi khám nha khoa lại càng hiếm xảy ra, dẫn đến nhiều bệnh về răng miệng có nguy cơ bùng phát. Thậm chí, có thể ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của cả mẹ và thai nhi.
Hiểu được tầm quan trọng của việc chăm sóc nha khoa cho phụ nữ trong thai kỳ, bài viết này đề cập đến những ảnh hưởng của việc mang thai đến sức khỏe răng miệng cũng như cách giải quyết chúng. Giúp cho các mẹ bầu có một thai kỳ khỏe mạnh.
Mang thai gây ảnh hưởng gì đến sức khỏe răng miệng?
Ốm nghén, ợ chua và trào ngược axit
Theo Hiệp hội Thai sản Hoa Kỳ, ốm nghén là tình trạng phổ biến khi mang thai, gây ảnh hưởng đến hơn 50% phụ nữ mang thai. Đây là tình trạng được gây ra bởi sự thay đổi nội tiết tố. Ốm nghén thường kèm theo cảm giác buồn nôn và nôn, thường xảy ra trong ba tháng đầu của thai kỳ.
Mặc dù ốm nghén không gây hại cho mẹ bầu và thai nhi nhưng nó có thể có tác động tiêu cực đến sức khỏe răng miệng. Việc nôn mửa có thể đưa dịch axit vào khoang miệng khiến men răng bị ăn mòn. Nồng độ axit trong miệng càng cao cũng làm tăng khả năng bị sâu răng.
Tương tự, nếu bạn bị ợ chua và trào ngược axit trong giai đoạn sau của thai kỳ cũng ảnh hưởng đến nồng độ axit trong miệng và gây mòn răng. Điều quan trọng là không đánh răng ngay sau khi bạn đang cảm thấy cơn ốm nghén kéo đến hoặc trào ngược axit. Vì hành động đánh răng có thể khiến răng bạn dễ bị ăn mòn hơn. Thay vào đó hãy trung hòa axit bằng cách súc miệng với hỗn hợp gồm nước và 1 muỗng cà phê bột baking soda.
Viêm nướu khi mang thai
Theo Hiệp hội Nha khoa Hoa Kỳ (ADA), phụ nữ mang thai có nguy cơ mắc bệnh nướu răng cao hơn. Nếu không được điều trị, bệnh nướu răng có thể ảnh hưởng đến thai kỳ của bạn. ADA đã chỉ ra các nghiên cứu cho thấy mối liên hệ giữa “viêm nha chu và sinh non, trẻ sơ sinh nhẹ cân, trẻ nhẹ cân sinh non và sự phát triển của tiền sản giật.”
Tình trạng viêm nướu xảy ra khi mang thai do mức độ gia tăng của hormone progesterone trong cơ thể người mẹ. Hiệp hội ADA cũng đồng ý rằng mức progesterone cao hơn có thể khiến nướu răng của bạn phản ứng xấu với mảng bám, gây viêm và cuối cùng là viêm nướu.
Phụ nữ mang thai có thể thấy nướu của họ trở nên đỏ hoặc sưng lên, thậm chí nhận thấy một số vết chảy máu. Một nghiên cứu của Đại học Sản phụ khoa Hoa Kỳ báo cáo rằng những phụ nữ có tiền sử bệnh nướu răng trước đây có thể thấy tình trạng của họ trở nên tồi tệ hơn khi mang thai. Ngoài ra, họ lưu ý rằng phụ nữ trong giai đoạn tam cá nguyệt thứ ba có nhiều khả năng bị viêm lợi khi mang thai.
Khối u khi mang thai
Khi mang thai, nướu bị kích thích và sưng lên có thể dẫn đến tình trạng khối u thai kỳ. Những khối u này là khối u lành tính, không phải ung thư miệng, xảy ra do viêm nhiễm và thay đổi nội tiết tố. Chúng thường hình thành giữa các răng, trông giống như quả mâm xôi nhỏ.
Các khối u khi mang thai sẽ tự nhiên biến mất sau khi bạn sinh em bé và không ảnh hưởng đến sức khỏe của bạn hoặc con bạn. Tuy nhiên, chúng có thể gây khó chịu, cản trở việc ăn nhai hoặc khó chải răng đúng cách.
Nếu bạn có khối u khi mang thai và cảm thấy khó chịu, hoặc gặp vấn đề trong việc thực hiện thói quen vệ sinh răng miệng hàng ngày, hãy cho nha sĩ biết. Có thể tùy chọn để loại bỏ khối u, nếu cần thiết.
Chăm sóc răng miệng cho phụ nữ trong thai kỳ như thế nào?
Vệ sinh răng miệng đúng cách
Việc vệ sinh răng miệng mỗi ngày rất quan trọng trong chế độ chăm sóc nha khoa cho phụ nữ trong thai kỳ. Như đã đề cập ở trên, sức khỏe răng miệng của phụ nữ khi mang thai trở nên cực kỳ nhạy cảm và dễ bị vi khuẩn xấu tấn công hơn bình thường. Vì vậy, việc duy trì đúng và đủ các bước vệ sinh răng miệng sẽ giúp răng và nướu khỏe mạnh hơn, giảm thiểu nguy cơ các bệnh răng miệng trong thai kỳ.
- Chải răng ít nhất 2 lần/ngày (sáng, tối), sau ăn 30 phút để tránh làm mòn men răng.
- Làm sạch kẽ răng bằng chỉ nha khoa hoặc tăm nước 1 lần/ngày.
- Dùng nước súc miệng, lưu ý nên hỏi thăm ý kiến bác sĩ nha khoa để chọn lựa loại nước súc miệng phù hợp với bà bầu.
- Lấy vôi răng và kiểm tra sức khỏe răng miệng định kỳ.
Chế độ ăn uống phù hợp
Thời kỳ thai nghén làm cho phụ nữ ăn uống thất thường. Khẩu vị của họ cũng thay đổi, có người thích ăn đồ ngọt, có người lại thèm chua thèm béo cùng với những thay đổi về nội tiết khiến răng miệng nhạy cảm hơn, dễ sâu răng hay mắc các bệnh viêm nướu hơn. Việc điều chỉnh chế độ ăn uống phù hợp như ăn nhiều rau củ, trái cây tươi, uống nhiều sữa để bổ sung canxi trong thời gian này sẽ giúp ích cho việc chăm sóc nha khoa cho phụ nữ trong thai kỳ.
Khám răng định kỳ hoặc khi có triệu chứng bất thường
Việc có thai không nên làm trì hoãn những cuộc hẹn thăm khám nha khoa định kỳ của bạn. Thậm chí nếu trước khi dự định có em bé, bạn có thể thực hiện một buổi khám răng tổng quát bao gồm làm sạch, cạo vôi cũng như xử lý các vấn đề răng miệng khác như nhổ răng, trám răng… để có một thai kỳ với răng miệng luôn khỏe mạnh.
Tuy nhiên, với bất kỳ một triệu chứng bất thường nào ở răng miệng, tốt nhất bạn nên đến gặp bác sĩ nha khoa để điều trị. Không nên tự ý mua thuốc uống hoặc bôi mà không có ý kiến tư vấn của bác sĩ. Chẳng hạn như việc sử dụng Tetracyclin – một loại kháng sinh quen thuộc hỗ trợ điều trị bệnh nhiễm khuẩn trong khi mang thai sẽ khiến răng của con bạn sau này có màu đen hoặc nâu.
Hi vọng với những kiến thức trên, bạn sẽ có chế độ chăm sóc nha khoa cho phụ nữ trong thai kỳ một cách khỏe mạnh và hợp lý.