NHỮNG NGUY CƠ KHI RĂNG KHÔN “MỌC DẠI”
Răng khôn mọc “dại” không chỉ khiến khiến bạn cảm thấy khó chịu mà nó còn dẫn đến nhiều bệnh lý răng miệng nguy hiểm. Vậy cụ thể nó có thể mang lại biến chứng gì? Cùng tìm hiểu với Nha Khoa Premier trong bài viết dưới đây nhé.
Vậy, răng khôn là gì?
Răng khôn (răng số 8 hay răng cối lớn thứ 3) là răng mọc cuối cùng trong miệng và mọc cuối cùng trong độ tuổi xương hám đã ngừng tăng trưởng và phát triển. Răng khôn sẽ phát triển từ khoảng 18 đến 30 tuổi. Tuy nhiên không phải ai cũng mọc răng khôn. Thời gian mọc răng có thể kéo dài vài tháng. Thậm chí vài năm mới mọc hết răng khôn.
Diện tích xương hàm chỉ đủ chỗ cho 28 cái răng (mỗi hàm có 14 răng). Do đó, răng khôn thường thiếu chỗ để mọc. Điều nay dẫn tới tình trạng mọc lệch hoặc mọc không hoàn thiện, gây nên nhiều biến chứng nguy hiểm.
Sở dĩ được gọi là răng khôn, bởi nó được mọc khi chúng ta đã trưởng thành.
Biến chứng nguy hiểm khi răng số 8 “mọc dại”
Mọc răng số 8 có thể gây đau nhức, sốt, khó khăn trong ăn uống…nhưng không gây nguy hiểm nếu răng mọc đúng vị trí. Khi đó, răng này có thể đóng vai trò răng hàm để thực hiện chức năng nhai. Nhưng do răng số 8 mọc sau khi các răng khác đã phát triển hoàn chỉnh, xương hàm bắt đầu cứng cáp, quá trình mọc răng trở nên khó khăn do bị thiếu chỗ dẫn đến mọc lệch, mọc ngầm. Ngoài việc gây ra cảm giác khó chịu, nó còn gây ra những biến chứng nguy hiểm khác.
Xô lệch hàm
Hệ quả đầu tiên mà bạn có thể thấy là răng này sẽ chèn vào các răng khác khiến hàm bị xô lệch. Các răng bị chèn ép sẽ đau nhức, dễ bị lung lay và thậm chí là mất răng.
Nhiễm khuẩn, viêm lợi trùm
Đây là biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra khi răng khôn mọc lệch. Thức ăn và vi khuẩn tích tụ tại chỗ răng khôn mọc lệch gây viêm tổ chức quanh thân răng. Bệnh nhân thấy đau, hôi miệng, sưng nề vùng lợi răng khôn, có thể thấy có mủ chảy ra, khó há miệng. Đáng nói là những viêm nhiễm này cứ tái diễn nhiều lần. Lần sau sẽ nặng hơn lần trước.
Trong trường hợp này, nếu bệnh nhân không được điều trị kịp thời thì vùng nhiễm trùng sẽ lan rộng ra các tổ chức, bộ phận xung quanh như má, cổ, mang tai. Từ đó gây viêm màng trong tim hoặc nhiễm trùng máu và cũng có nguy cơ ảnh hưởng đến tính mạng.
Gây tổn thương răng bên cạnh (răng số 7)
Răng số 7 có vai trò và vị trí khá quan trọng, là chiếc răng hàm lớn thứ hai đảm nhiệm chức năng ăn nhai. Theo thứ tự, răng số 7 nằm cạnh răng khôn trong khung hàm. Vì vậy, răng khôn mọc lệch ngầm sẽ ảnh hưởng đến răng số 7 đầu tiên. Khe hở giữa răng khôn mọc lệch và răng số 7 gây dắt thức ăn và làm sâu răng. Hơn nữa, răng khôn mọc lệch sẽ chèn ép vào chiếc răng bên cạnh, lâu ngày cọ xát làm tiêu một phần thân và chân răng. Đồng thời, nó cũng gây ra hiện tượng tiêu xương ở mặt xa của răng số 7.
Do việc chèn ép gây ra tổn thương rất “âm thầm” và kéo dài nhiều năm nên bạn có khi không hề hay biết. Chỉ đến khi vùng tổn thương lan rộng thì nhiều người mới đến gặp bác sĩ nha khoa. Khi đó, mọi việc có thể đã quá muộn. Chiếc răng số 7 của bạn khó có thể giữ lại được nữa.
Sâu răng
Răng số 8nằm ở vị trí sâu của hàm răng. Vì thế nên nó rất khó chăm sóc và vệ sinh. Quá trình mọc răng khôn cũng gây tích tụ nhiều vi khuẩn, dễ gây sâu răng khôn hoặc sâu các răng lân cận. Khi răng đã bị sâu, lỗ sâu tăng kích thước, phá hủy cấu trúc răng quai hàm. Hậu quả là làm hỏng răng quai hàm và lan rộng ra các răng khác.
Rối loạn phản xạ và cảm giác
Do ở mặt có nhiều thần kinh chi phối nên khi răng khôn mọc lệch chèn ép các dây thần kinh gây mất hoặc giảm cảm giác ở môi, da, niêm mạc, răng ở nửa cung hàm. Mặt khác, răng khôn có thể gây ra hội chứng giao cảm: đau một bên mặt; phù, đỏ quanh ổ mắt.
Ảnh hưởng đến các mô mềm trong miệng
Một số trường hợp, răng số 8 mọc lệch ra phía ngoài, đâm vào má. Nếu không phát hiện và điều trị kịp thời có thể gây nhiễm trùng, tổn thương sâu đến vùng má. Ngược lại, răng số 8 lệch vào trong sẽ tăng nguy cơ gây tổn thương lưỡi. Do lưỡi phải thường xuyên hoạt động khi ăn nhai, nói chuyện nên khó tránh khỏi bị răng khôn đâm vào.
Áp xe răng
Nướu tại vị trí mọc răng số 8 bị viêm nhiễm tạo điều kiện cho các vi khuẩn răng miệng xâm nhập vào bên trong răng, hình thành các túi áp xe. Áp xe răng gây hỏng răng và ảnh hưởng đến các dây thần kinh nếu không được điều trị kịp thời. Tình trạng này khá nguy hiểm, mủ từ ổ áp xe có thể gây ngạt thở nếu chảy xuống họng, gây áp xe trung thất nếu chảy xuống trung thất…
Với những những thông tin trên, hy vọng bạn có thể nhìn lại tình trạng răng miệng của mình. Nếu bạn đang gặp những triệu chứng được đề cập ở trên, bạn cần đến phòng khám nha khoa gần để kiểm tra nhằm tránh biến chứng về sau.
[WPSM_AC id=1966]