Các bệnh lý răng miệng thường gặp

June 2, 2021 webmaster 0

NHỮNG BỆNH RĂNG MIỆNG THƯỜNG GẶP

Đa số nhiều người còn lơ là trong việc chăm sóc sức khỏe răng miệng dẫn đến các bệnh răng miệng thường gặp. Ảnh hưởng đến sức khỏe tổng thể và chất lượng cuộc sống.

Bệnh răng miệng thường gặp nhất: Sâu răng

Có lẽ sâu răng là bệnh lý răng miệng thường gặp nhất, không chỉ ở trẻ em mà còn ở người lớn. Sâu răng là tình trạng tổn thương mất mô cứng của răng do quá trình hủy khoáng gây ra bởi vi khuẩn ở mảng bám răng, dẫn đến hình thành các lỗ li ti trên răng.

Bệnh răng miệng thường gặp

Sâu răng là bệnh lý răng miệng thường gặp không chỉ ở trẻ em mà còn ở người lớn.

Theo thời gian, những lỗ sâu này phát triển rộng hơn, gây cảm giác đau nhức khó chịu. Những cơn đau ê buốt cũng bất ngờ xảy ra khi bạn ăn nhai đồ cứng, uống nước lạnh hoặc nóng cũng có thể là triệu chứng của sâu răng mà bạn nên lưu ý.

Chính thói quen vệ sinh răng miệng không sạch sẽ là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến sâu răng. Việc ăn uống nhiều món ăn chứa đường cũng khiến vi khuẩn trong miệng sinh sôi và gây sâu răng.

Nếu sâu răng không được điều trị, tình trạng bệnh càng nặng hơn và ảnh hưởng đến các lớp sâu hơn của răng. Chúng có thể dẫn đến đau răng, nhiễm trùng và nghiêm trọng hơn là mất răng.

Cách phòng chống bệnh sâu răng mang lại hiệu quả cao nhất vẫn là giữ vệ sinh và thường xuyên kiểm tra sức khỏe răng miệng định kỳ 6 tháng/lần. Ngoài ra, nên đánh răng ít nhất 2 lần/ngày và hạn chế ăn đồ ngọt, nước uống có ga vào buổi tối.

Viêm nướu răng

Viêm nướu răng là tình trạng nướu sưng đỏ, có mảng bám và dễ chảy máu ở nướu. Đây cũng là một bệnh lý răng miệng rất phổ biến. Có 2 loại viêm nướu thường gặp là viêm nướu và viêm nha chu. Viêm nướu là tình trạng nhẹ hơn của viêm nha chu.

bệnh răng miệng phổ biến cần biết

Viêm nướu răng là bệnh lý răng miệng phổ biến

Nguyên nhân chủ yếu của bệnh viêm nướu là do thói quen vệ sinh răng miệng kém, khiến các mảng bám hình thành và vi khuẩn trong miệng gia tăng. Khi các mảng bám này không được loại bỏ thì sẽ hình thành vôi răng. Đó là điều kiện thuận lợi kích thích vi khuẩn phát triển gây bệnh viêm nướu.

Ngoài ra, còn có một số nguyên nhân gây bệnh khác như: sử dụng thuốc lá lâu ngày, thay đổi nội tiết tố của phụ nữ mang thai hay sau sinh, do tác dụng phụ của một số loại thuốc (thuốc kháng histamin, thuốc chống trầm cảm…).

Một số triệu chứng bạn cần lưu ý để nhận biết bệnh viêm nướu răng:

  • Nướu răng sưng tấy.
  • Nướu dễ chảy máu khi dùng bàn chải đánh răng hoặc chỉ nha khoa.
  • Màu sắc của nướu răng thay đổi từ màu hồng chuyển sang nâu sẫm.
  • Hơi thở có mùi hôi, có thể bị loét miệng thường xuyên.
  • Có cảm giác đau khi nhai đồ ăn.

Bệnh viêm nướu sẽ không nguy hiểm nếu bạn phát hiện và điều trị kịp thời. Nếu không thì bệnh có thể tiến triển lây lan đến các mô cơ và xương (nha chu) và có thể dẫn đến mất răng.

Nhiệt miệng (loét miệng)

Nhiệt miệng với triệu chứng điển hình là phía trong miệng có xuất hiện các vết loét, gây đau đớn và bất tiện trong ăn uống và sinh hoạt hàng ngày. Bất cứ ai cũng có thể mắc phải bệnh lý răng miệng này, vì nhiệt miệng là bệnh liên quan đến môi trường, chế độ dinh dưỡng, độc tố trong thực phẩm, ký sinh trùng…

Lở miệng là gì

Nhiệt miệng với triệu chứng điển hình là phía trong miệng có xuất hiện các vết loét

Ngoài ra các tổn thương vùng miệng có thể xảy ra với các nguyên nhân khác như đánh răng quá mạnh, tai nạn cắn vào má trong, thay đổi hormone trong thời kỳ kinh nguyệt hoặc do stress.

Một số cách trị nhiệt miệng tại nhà, bạn có thể áp dụng:

  • Súc miệng bằng nước muối ấm để sát trùng các vết loét, giúp vết thương mau lành.
  • Chườm lạnh lên vùng má bị nhiệt miệng sẽ giúp làm dịu cơn đau nhức.
  • Hạn chế ăn đồ cay nóng, nhiều dầu mỡ để tranh làm tình trạng bệnh nặng hơn.

Đa số, các vết loét do nhiệt miệng sẽ tự lành sau vài ngày hoặc 1 tuần. Nhưng nếu các vết loét này ngày càng lan rộng và đau nhức, ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe, bạn nên đến thăm khám ở các cơ sở y tế. Vì có thể đây là dấu hiệu của những căn bệnh nghiêm trọng khác như bệnh Crohn, viêm loét đại tràng và hội chứng ruột kích thích…

Hôi miệng: Bênh lý răng miệng thường gặp

Hôi miệng có lẽ là một bệnh lý răng miệng không mấy “thơm tho” bởi hơi thở của các bệnh nhân hôi miệng có mùi khó chịu, gây bất tiện trong giao tiếp hàng ngày.

vì sao hơi thở có mùi

Hôi miệng khiến hơi thở có mùi khó chịu

Nguyên nhân gây hôi miệng:

Có nhiều nguyên nhân gây hôi miệng. Hôi miệng tạm thời do ăn uống các loại thực phẩm có mùi như hành tỏi. Đây là loại gia vị có chứa hàm lượng sulphur cao, có thể xuyên qua lớp lót đường ruột vào trong máu. Sau đó giải phóng vào phổi rồi bốc hơi ra ngoài, gây mùi khó chịu.

Thuốc lá, bia rượu hoặc các thực phẩm có hàm lượng protein và đường cao như sữa sau khi phân hủy trong miệng sẽ làm giải phóng các amino axit chứa sulphur, cũng gây hôi miệng.

Ngoài ra, các bệnh lý răng miệng khác như viêm nha chu, viêm nướu, viêm quanh implant, sâu răng, viêm tủy răng… cũng đều gây ra bệnh hôi miệng.

Bạn cũng có thể bị hôi miệng nếu đang sử dụng một số loại thuốc như Dimethyl Sulphoxide, Disulfiram, NitrateNitrite… Hoặc mắc các bệnh về tiêu hóa, tiểu đường, bệnh về gan, thận… cũng khiến cho hơi thở bạn có mùi hôi.

Điều trị hôi miệng:

Có rất nhiều nguyên nhân khiến hơi thở nặng mùi nên trước tiên bạn cần đến gặp bác sĩ để được thăm khám và xác định nguyên nhân.

Nếu do chế độ vệ sinh răng miệng kém hoặc các bệnh lý răng miệng liên quan như vôi răng, sâu răng, viêm nha chu… bác sĩ nha khoa sẽ điều trị tận gốc để giải quyết vấn đề hôi miệng của bạn. Nếu không, bác sĩ sẽ tư vấn cho bạn đến thăm khám tại các chuyên khoa khác.

Một số cách giải quyết vấn đề hôi miệng tạm thời như nhai kẹo cao su không đường, sử dụng nước súc miệng sát khuẩn, dùng dung dịch xịt thơm, khử mùi cho miệng…

Để ngăn ngừa hôi miệng, bạn cũng cần chú ý vấn đề vệ sinh răng miệng hàng ngày. Tập thói quen đánh răng 2 lần/ngày, cạo lưỡi 1 lần/ngày, sử dụng chỉ nha khoa, nước súc miệng để hạn chế hình thành mảng bám gây hôi miệng. Nhớ khám nha khoa định kỳ 6 tháng/ lần để bác sĩ có thể phát hiện và kịp thời điều trị các vấn đề nha khoa.